Dụng cụ làm bánh: mua ở đâu giá rẻ?

Dụng cụ làm bánh.

Chắc chắn đó là thứ đầu tiên mà người mới làm bánh như bạn phải tìm hiểu.

Và đó cũng là thứ đầu tiên bạn cần phải đầu tư và mua sắm. 

Cách đây vài năm mình cũng như bạn.

Cảm giác thật hào hứng với ý nghĩ tự mình làm ra những chiếc bánh xinh xắn và thơm ngon phải không? 

Do vậy khi tìm hiểu về dụng cụ làm bánh thứ nào cũng muốn mua. Cuối cùng mình đã tậu về nhiều dụng cụ mà đến nay vẫn chưa động tới.

Do vậy trong bài viết dụng cụ làm bánh này mình muốn chia sẻ tất cả kinh nghiệm của mình.

Bạn không chỉ hiểu sâu hơn về thế giới dụng cụ làm bánh. Mà bạn còn được tránh được những sai lầm như mình ở trên.

Phần cuối mình sẽ liệt kê những dụng cụ làm bánh cơ bản bắt buộc phải có. Sau này nếu cần dụng cụ nào thì bạn mới mua thêm. 

Về dụng cụ làm bánh mình phân ra làm 7 loại: dụng cụ cân đong, dụng cụ phân tách, dụng cụ nhào trộn, dụng chỉnh hình, dụng cụ tạo hình.

Nào chúng ta cùng bắt đầu khám phá dụng cụ làm bánh.

Mua dụng cụ làm bánh ở đâu

Cách đây tầm khoảng 5 năm mình thấy mua dụng cụ làm bánh ở Việt Nam còn tương đối khó khăn.

Vì thời điểm đấy thương mại điện tử chưa phát triển. Các cửa hàng bán dụng cụ làm bánh offline cũng hơi ít. 

Những cửa hàng này thường chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Nhiều bạn ở vùng sâu vùng xa cũng khó mua. 

Bây giờ câu chuyện đã khác rồi.

Chỉ cần ngồi nhà. Mở máy tính hoặc điện thoại. Bạn có thể mua hàng ngàn dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. 

Shopee chính là hai địa chỉ quen thuộc mua dụng cụ làm bánh của mình. Mặc dù mình ở Hà Nội nhưng bây giờ nghĩ phóng xe ra cửa hàng như trước kia cũng thấy ngại rồi.

Cần gì lên Shopee

Dụng cụ cân đong

Cân điện tử

cân-điện-tử

Làm bánh không giống như nấu nướng thông thường.

Nấu nướng hàng ngày bạn có thể áng chừng nguyên liệu theo kinh nghiệm. Bạn không cần chính xác các loại nguyên liệu mà vẫn có thể món ăn chấp nhận được.

Nhưng làm bánh là một câu chuyện khác.

Bạn chỉ cần sai lệch một thành phần nguyên liệu là mẻ bánh coi như hỏng. Vì vậy một chiếc cân điện tử là thứ không thể thiếu.

Về cách chọn cân điện tử:

Bạn chỉ cần có cân có mức chia nhỏ là được. Ví dụ cân có thể đong đến 1g hoặc 0.1g.

Nếu ngân sách dồi dào thì chọn cân xịn càng tốt. Nhưng một chiếc cân giá rẻ tầm 100k mình thấy cũng ổn.

Nhiệt kế

Có 2 loại nhiệt kế bạn cần đến khi làm bánh.

Đầu tiên là nhiệt kế lò. 

nhiệt-kế-lò-nướng-1

Bạn đang thắc mắc lò nướng nhà mình có chỉnh nhiệt độ thì cần nhiệt kế lò để làm gì?

Đáng tiếc là các loại lò nướng thùng thường có nhiệt độ không chính xác. Nhiệt độ thực tế trong lò có thể nhiều hơn hoặc ít hơn nhiệt độ bạn chọn cả chục độ.

Mà bạn biết đấy. Nhiệt độ chuẩn là yếu tố tạo nên mẻ bánh thành công.

Do vậy bạn nên sắm một chiếc nhiệt kế lò để biết chính xác nhiệt độ trong lò.

Loại thứ hai là nhiệt kế kẹo.

nhiệt-kế-kẹo

Nhiệt kế này dùng để đo nhiệt độ của nguyên liệu như các loại nước xốt...Nhiệt kế này không cần thiết cho lắm.

Khi nào làm đến loại bánh cần phải đo nhiệt độ nguyên liệu thì hãy sắm.

Thìa đong

thìa-đong

Thìa đong trong làm bánh thường bán ở bộ thìa sử dụng đơn vị teaspoon (thìa cà phê), tablespoon (thìa canh).

Đây là những đơn vị chuẩn sử dụng phổ biến trong các công thức làm bánh

Ngoài ra, nhiều bộ thìa đong còn kèm theo một cốc đong theo đơn vị cup. Đây là đơn vị phổ biến hơn trong công thức làm bánh của Mỹ.

Ở Việt Nam mình thấy ít khi sử dụng đơn vị này. Chính vì vậy bộ cốc đong theo cup này ít khi động đến.

Do đó bạn chỉ nên mua bộ thìa đong chỉ có đơn vị tsp và tbsp là đủ.

Cốc đong

cốc-đong-768x938

Đây là những chiếc cốc mà trên thành của nó nhà sản xuất có chia vạch để đong. Nhiều cốc cũng có thêm vạch cho đơn vị cup hay oz.

Như mình nói ở trên nếu bạn không làm bánh theo công thức Mỹ, tính năng này không cần thiết.

Như vậy bạn chỉ cần cốc có vạch theo đơn ml là đủ.

Trên thị trường thường có 3 loại cốc: cốc nhỏ đong tối đa 100ml, cốc trung bình vạch đo tối đa 500ml, cốc lớn vạch đo lên tới 1000l.

Dụng cụ phân tách

Rây bột

Rây bột là một khâu không thể thiếu trong các công thức làm bánh có sử dụng nguyên liệu bột.

Bởi bột để lâu thì hay bị vón cục. Rây bột sẽ giúp bột tơi hơn. Khi trộn với các nguyên liệu khác sẽ đều hơn, tránh bị vón cục.

Rây bột thường có hai loại.

Rây bột cầm tay: loại này bạn thường dùng tay để rây bột. Thường một tay bạn cầm rây. Tay còn lại bạn gõ nhẹ trên thành rây để bột rơi xuống bên dưới.

rây-bột

Rây bột dạng cốc: loại này thiết kế có tay cầm khi bạn bóp vào cần gạt bột bên trong sẽ hoạt động. Bột sẽ rơi xuống mà không cần tác động gì thêm.

cốc-rây-bột-1

Như vậy với loại này bạn sẽ có một tay rảnh. Do vậy một tay bạn rây bột, tay còn lại có thể thực hiện trộn bột luôn.

Cá nhân mình thích loại này hơn. Tuy giá cao hơn so với rây bột cầm tay nhưng khi làm bánh thì rất nhàn.

Dụng cụ tách trứng

tách-lòng-trứng

Nhiều công thức đòi hỏi phải tách riêng lòng trắng trứng và lòng đỏ trứng. Thực tế trứng lấy ra từ tủ lạnh rất dễ tách bằng cách sử dụng trực tiếp vỏ trứng.

Bạn chỉ cần lấy hai vỏ trứng đẩy qua đẩy lại là lòng trắng trứng sẽ rớt xuống. Lòng đỏ sẽ giữ lại trong vỏ trứng.

Tuy nhiên nếu bạn không khéo thì nên mua thêm dụng cụ tách trứng. Dù sao nó cũng khá rẻ.

Dụng cụ nhào trộn

Máy đánh trứng

máy-đánh-trứng-tefal

Máy đánh trứng là thiết bị không thể thiếu khi học làm bánh. Bạn có 2 lựa chọn:

Đầu tiên là máy đánh trứng cầm tay. Loại máy này đi kèm với 2 phụ kiện. 2 que đánh trứng và 2 que nhào bột.

Bạn nên chọn máy đánh trứng có công suất tầm 250-500W. Máy có công suất nhỏ quá sẽ khó đánh bông nguyên liệu. Tuổi thọ máy cũng kém.

Máy đánh trứng để bàn: máy này thường đi kèm các phụ kiện phới lồng để đánh bông trứng, kem tươi, chân quay dẹt để đánh mềm bơ, đánh bông lòng đỏ trứng, chân quay xoắn để nhồi bột bánh mì..

So với máy đánh trứng cầm tay, máy đánh trứng để bàn có công suất lớn. Dùng nó đỡ mất thời gian, công sức nhất là khi nhồi bột bánh mì.

Nhưng bạn phải đầu tư số tiền lớn, nhất là nói về dòng máy hàng hiệu như Kitchen Aid. Do vậy nếu ngân sách hạn hẹp một chiếc máy đánh trứng cầm tay là đủ.

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên làm bánh mì, tốt nhất hãy chọn một mẫu máy trộn bột gia đình giá tốt ở đây

Đọc thêmMáy đánh trứng loại nào tốt hiện nay

Phới lồng cầm tay

phới-lồng

Bạn đang thắc mắc có máy đánh trừng rồi thì còn cần phới lồng để làm gì?

Phới lồng vẫn là dụng cụ không thể thiếu khi làm bánh. Không phải trường hợp nào bạn cũng phải lôi máy đánh trứng ra. 

Phới lồng cầm tay hữu ích khi bạn cần trộn nhẹ nhàng các loại nguyên liệu bông nhẹ như trứng đã đánh bông hay nhiều nguyền liệu khác.

Phới trộn bột (spatula)

phới-trộn-bột-spatula

Đây là dụng cụ có hình dạng giống cái xẻng. Chất liệu thường là silicon. Phới này có tác dụng trộn đều nguyên liệu. Ngoài ra nó còn có tác dụng vét thành và đáy âu trộn bột sạch hơn.

Âu trộn bột

âu-trộn-bột-chefmade

Âu trộn bột là dụng cụ cần thiết khi làm bánh.

Về chất liệu âu trộn bột:

Chất liệu âu trộn bột thường là inox, thủy tinh, nhựa hoặc gỗ. Bạn nên chọn âu trộn bột bằng kim loại như inox vì nó chịu được nhiệt độ, có độ bền cao và dễ vệ sinh.

Về kích thước âu trộn bột:

Bạn nên còn âu lớn và có thành cao. Như vậy khi đánh nguyên liệu sẽ tránh việc bị bắn ra ngoài.

Thìa gỗ

Thìa gỗ là dụng cụ làm bánh không bắt buộc. Tuy nhiên bạn nên có một cái vì nó sẽ rất tiện khi nấu làm bột bánh su kem, hay nấu các loại xốt.

Dụng cụ chỉnh hình

Tấm cắt

tấm-cắt-bột

Dụng cụ thường dùng để cắt bột thành những miếng nhỏ. Đặc biệt hay dùng khi làm bánh mì. Ngoài tấm cắt còn giúp dễ di chuyển bột sau khi cắt hoặc tạo hình. 

Cây lăn bột hay cán bột:

cây-cán-bột-768x768

Đúng như tên gọi dụng cụ này để cán bột khi làm bánh mì hoặc một số loại bánh quy.

Các loại khuôn và khay nướng bánh

Khay nướng hình chữ nhật

khay-nướng-bánh-hình-chữ-nhật

Các lò nướng đều có khay nướng màu đen đi kèm . Nhưng khay này có vấn đề:

Nó tiếp xúc trực tiếp vời thành lò cũng như có màu đen nên truyền nhiệt nhanh hơn. Do vậy phần đế bánh dễ bị cháy.

Do vậy bạn nên chọn thêm một khay nướng bánh chữ nhật có tính năng chống dính. Nên chọn khay có màu sáng thì tốt hơn.

Nhớ đo kích thước khay khi mua để cho vừa với lò nhà bạn.

Loại khay này thường dùng để làm bánh bích quy, bánh gato cuộn, su kem. Làm loại bánh này thì bạn thường chọn khay có thành thấp.

Còn nếu dùng khay như này để nướng cách thủy như bánh flan hay cheesecake thì bạn phải chọn khay có thành cao hơn.

Khuôn muffin/cupcake

khuôn-muffin

Muffin và cupcake là hai loại bánh khác nhau nhưng hình dạng lại giống nhau (hình chiếc cốc).

Do vậy bạn có thể dùng chung một loại khuôn.

Khuôn muffin / cupcake có thể ở dạng khay liền với nhiều lỗ nhỏ hoặc là các cup rời. Chất liệu phổ biến là kim loại hoặc silicon.

Silicon có ưu điểm là chống dính tốt và tiết kiệm chỗ. Nhưng so với khuôn kim loại khả năng truyền nhiệt không tốt bằng.

Với bánh muffin/cupcake chúng ta còn hay nhắc đến khuôn giấy. Khuôn giấy có hai loại

khuôn-giấy

Một loại có chất giấy tương đối dày. Loại này bạn có thể đổ nguyên liệu trực tiếp vào để nướng.

Loại còn lại là khuôn giấy mềm. Loại này dùng để lót khuôn muffin/cupake bằng kim loại hay silicone như đã nói ở trên.

Chú ý khi chọn loại cup giấy mềm bạn phải chọn loại phù hợp với kích thước của khuôn.  

Nhân đây cũng có vài lưu ý khi dùng khuôn silicon nói chung

  • Khuôn silicon có thể rửa sạch dễ dàng bằng nước nóng nóng pha với một chút nước rửa bát. Sau khi nướng xong bạn nên ngâm khuôn với nước nóng hòa chút nước rửa bát khoảng nửa tiếng. 
  • Không được cho khuôn vào lò nướng mà không có gì. Ví dụ nếu khuôn của bạn có 6 lỗ bạn đổ hết nguyên liệu vào 5 lỗ. Còn trống 1 lỗ. Lỗ này bạn buộc phải đổ nước vào. Làm như vậy mới kéo dài tuổi thọ của khuôn.
khuôn-làm-bánh-ngọt

Khuôn bánh ngọt hay còn gọi với các tên khác như khuôn bánh bông lan hay khuôn bánh gato.

Loại khuôn này có rất nhiều kích cỡ và hình dáng khác nhau.

Nếu bạn mới làm bánh thì chỉ cần 1 khuôn tròn và khuôn vuông thôi. Nên chọn khuôn kích thước nhỏ. Do vậy nếu làm hỏng thì cũng không gây ra tốn kém.

Sau này khi có nhu cầu thêm thì bạn có thể chọn thêm khuôn với các hình dáng và kích thước bạn muốn.

Trong các loại khuôn cake có loại gọi là spring form. Loại này có đặc điểm dễ nhận ra. Thành của nó có một cái khóa.

khuôn-spring-form

Do vậy bạn có thể dễ dàng lấy bánh mà không cần dùng dao rạch thành khuôn.

Loại khuôn này tuy đắt hơn nhưng rất tiện dụng. Đặc biệt bạn có thể dùng nó để làm các loại bánh như Mousse hay Cheesecake.

Khuôn tube

khuôn-chiffon

Khuôn tube hay còn gọi là khuôn chiffon. Đây là loại khuôn có một ống tròn giữa. Thiết kế này giúp nhiệt có thể phân bố vào tận bên trong. Do vậy bánh sẽ nở đều hơn.

Bạn có thể tận dụng khuôn cake trên để làm khuôn tube. Bằng cách thay đế phẳng bằng một đế có ống ở giữa.

Như vậy bạn sẽ tiết kiệm hơn khi phải mua thêm khuôn tube có ống cố định ở giữa.

Khuôn bánh mì

Như tên gọi khuôn này dùng đến khi bạn làm bánh mì. Làm bánh mì thường phức tạp hơn so với các loại khác.

Nên nếu bạn chưa có ý định làm loại bánh này thì đừng mua vội.

Nhưng bạn nên chọn một 1 khuôn hình chữ nhật cỡ trung bình để làm các loại bánh bông lan. Vì loại này bánh khá đơn giản và dễ làm.

Khuôn pie/tart

khuôn-tart

khuôn tart

khuôn-pie

Tuy nói gộp ở đây nhưng khuôn pie và tart hoàn toàn khác nhau. Khuông tart thường thành có viền lượn sóng. Nó dùng để làm bánh tart.

Khuôn tart cũng có rất nhiều hình thù và kích thước. 

Còn khuôn pie không có đặc điểm này. Nó có dạng đĩa tròn thường dùng để làm bánh pizza.

Tìm hiểu phân loại bánh pie, tart Ở ĐÂY.

Vòng mousse (mousse ring)

Vòng hình hoa hay hình vuông, tròn dùng để làm các bánh như tiramisu, mousse...Thiết kế này giúp dễ gỡ khuôn khi bánh đông lại.

Dụng cụ trét kem

Các loại đầu đui

Bạn không cần mua cả bộ mà chỉ cần mua những loại thường dùng.

Vậy những loại hay dùng là loại nào?

Có 6 đui hay dùng gồm: đui hình lá, đui răng cưa, đui hình sao, đui cánh hoa hồng, đui hoa cúc, đui hình tròn.

Túi bắt bông kem dùng một lần

Túi này không chỉ để bắt kem tươi trang trí bánh. Bạn còn dùng nó để chia nguyên liệu vào khay nướng như khi làm muffin.

Dụng cụ nướng bánh

Lò nướng

lò-nướng-sanaky

Chắc bạn cũng biết lò nướng để nướng bánh cần có những đặc điểm như sau:

  • Có thanh nhiệt trên và dưới, (hay còn gọi lửa trên và lửa dưới).
  • Có chế độ chỉnh nhiệt độ và thời gian nướng
  • Dung tích tối thiểu 30l. Lò nướng có dung tích lớn sẽ có nhiệt độ ổn định hơn lò dung tích bé. Lò có dung tích bé bánh dễ gần thanh nhiệt. Do vậy bánh có hiện tượng chín không đều.

Với những đặc điểm trên bạn khó có thể làm bánh với lò vi sóng có chức năng nướng, nồi nướng thủy tinh. Vì chúng chỉ có lửa trên hoặc lửa dưới.

Với nồi chiên không dầu bạn cũng chỉ làm được một số bánh đơn giản do có cùng nguyên nhân như trên.

Tóm lại nếu muốn làm bánh nghiêm túc, bạn phải đầu tư vào lò nướng.

Nhưng sắm lò nường rồi chưa đủ, bạn còn cần hiểu rõ chiếc lò nướng của mình.

Có một vài lưu ý khi sử dụng lò nướng trong làm bánh như sau:

  • Luôn luôn làm nóng ở nhiệt độ yêu cầu của công thức trước khi nướng tối thiểu 10 tới 15 phút.
  • Chọn vị trí đặt nguyên liệu vào lò nướng: Bạn nên đặt khay nướng ở vị trí sao cho khuôn bánh ở chính giữa lò. Do vậy nếu khuôn cao thì khay nướng cần hạ thấp xuống 1-2 nấc.
  • Luôn nướng ở chế chế độ lửa trên và lửa dưới để bánh chín đều các mặt.

Giấy nến

Giấy nến là loại giấy có mặt chống chính. Nó có khả năng chịu được nhiệt độ cao.

Ưu điểm của giấy nến chính là giá thành rẻ, có thể cắt nhỏ theo hình dạng khuôn. Nhược điểm của nó là chỉ dùng một lần. Không tái sử dụng được.

Tấm lót silicon

Tấm lót silcon cũng là giải pháp chống dính khá hiệu quả khi làm các loại bánh quy. Ưu điểm của nó chính là có thể tái sử dụng nhiều lần.

Nhưng so với giấy nến thì giá cao hơn lại không có thể cắt nhỏ được.

Nói chung nếu bạn đã khay nướng chữ nhật chống dính thì loại này không cần thiết.

Dụng cụ cắt

Dao trét kem: Dùng để trét kem khi làm bánh cake. Nó cũng dùng để tách bách khỏi khuôn.

Dao cắt bánh: Dao này có lưỡi răng cưa để cắt bánh mì và cake.

Dao quay (Pizza cutter): dùng để cắt bột và bánh pizza.

Dụng cụ làm bánh cơ bản

Ở đây mình tổng hợp lại những dụng cụ làm bánh cơ bản. Đây là những dụng cụ bắt buộc bạn phải có khi học làm bánh.

  1. Cân điện tử
  2. Thìa đong
  3. Rây bột
  4. Máy đánh trứng
  5. Phới lồng
  6. Phới cao su (spatula)
  7. Cây cán bột
  8. 1 khuôn tròn và khuôn vuông làm cake.
  9. Khuôn muffin/cupcake
  10. Túi bắt bông kem
  11. Khuôn giấy (dành cho cupcake/muffin)
  12. Lò nướng gia đình (tối thiểu 30l)
  13. Giấy nến

Lời kết

Chắc chắn những dụng cụ làm bánh mà mình đề cập trong bài là chưa đủ. Nhưng với một người mới làm bánh những kiến thức về dùng cụ làm bánh này cũng đủ dùng.

Đặc biệt trong bài mình cũng chia sẻ luôn địa chỉ giúp bạn dễ dàng mua sắm dụng cụ làm bánh.

Nếu bài viết có gì thiếu xót, hãy để lại góp ý của bạn ở bình luận bên dưới.

Đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy bài viết hữu ích.